Những điều đáng sợ nhất ẩn sau vụ bến xe Mỹ Đình bị “vỡ trận”

Ngày đăng:05-01-2017 12:12:57
Những điều đáng sợ nhất ẩn sau vụ bến xe Mỹ Đình bị “vỡ trận” đó là tình trạng cạnh tranh không lành mạnh dễ dẫn đến tình trạng ẩu đả để tranh giành khách.

Cạnh tranh không lành mạnh

Theo kế hoạch của Sở GTVT Hà Nội, từ ngày 2/1/2017, để tránh ùn tắc, các tuyến xe đi Đăk Lăk, Gia Lai, Hà Tĩnh, Nam Định, Nghệ An, Thái Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình đang hoạt động tại bến xe Mỹ Đình, Gia Lâm, Yên Nghĩa, Sơn Tây, Trôi, Phùng sẽ chuyển về bến Nước Ngầm.

Chiều 3/1, trao đổi với Đất Việt, nhiều nhà xe lo ngại về tình trạng vắng khách, hoạt động thiếu hiệu quả sau khi điều chuyển về bến mới.

Bà Nguyễn Thị Thảo – Nhà xe Lý Thảo (Chạy tuyến Thanh Hóa – HN) cho biết sau 2 ngày chuyển về bến xe Nước Ngầm, số lượng khách doanh nghiệp này chở hàng ngày chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Theo bà Thảo, ngày 2/1, nhà xe chỉ bán được 6 vé. Trong buổi sáng ngày 3/1, bán thêm được 2 vé xe.

“Bên bến xe Giáp Bát đã có xe Thanh Hóa, Nghệ An rồi. Không ai tự nhiên chịu mất thêm tiền đi xe ôm hoặc ngồi xe buýt xuống bến xe Nước Ngầm để đi lại cả. Người ta đổ dồn về trên Giáp Bát hết. Khi nào lễ, tết tràn trề thì họ mới xuống đây.

Một ngày chi phí nhà xe hết 3,9 triệu, chưa tính khấu hao tài sản, chưa tính lương của vợ chồng, con cái tôi đi làm.

Nếu xe hoạt động thì tăng thêm 2 triệu tiền dầu vào mùa hè, mùa đông thì 1,8 triệu tiền dầu. Ngoài ra còn chưa kể đến phí đường bộ, phí BOT cũng như phí bến bãi. Nếu kéo dài như vậy thì chúng tôi trụ được mấy tháng?”, bà Thảo lo lắng.

Bà Thảo cho biết, trong số 440 lốt xe từ Mỹ Đình chuyển sang Nước Ngầm có tổng cộng 122 lốt chạy tuyến Nghệ An và Thanh Hóa. Điều này khiến bà lo sợ sẽ xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh với các nhà xe đang chạy tuyến này đang hoạt động tại bến xe Giáp Bát.

“Xe đi Nghệ An thì bắt buộc họ chở thêm cả khách Thanh Hóa nữa. Phần đông xe trên bến xe nước ngầm là xe Nghệ An. Xe Thanh Hóa rất ít, xen kẽ vào.

Giả dụ bây giờ 10 xe Nghệ An, mỗi xe chỉ cần bắt thêm 1 hành khách về Thanh Hóa thì chúng tôi đã mất khẩu phần trong đó rồi.

Trước đây xe Thanh Hóa và Nghệ An hoạt động tại bến xe Giáp Bát thường xuyên va chạm đụng độ, xảy ra đổ máu rất nhiều. Giờ xe Thanh Hóa chúng tôi từ Mỹ Đình đổ xuống đây sẽ ảnh hưởng đến xe Nghệ An, trước gì cũng xảy ra chuyện đụng độ va chạm đấy”, bà Thảo lo lắng.

Dù mới 2 ngày hoạt động tại bến mới nhưng điều khiến bà Thảo bất an nhất hiện nay là nếu tình trạng trên kéo dài, nhà xe sẽ không có tiền để trả nợ ngân hàng cuối tháng.

“Hầu như mỗi xe chạy tuyến, chúng tôi đều phải vay tiền từ ngân hàng. Dù bến xe Nước Ngầm thông báo hỗ trợ trong vòng 2 tuần không thu phí bến bãi nhưng làm sao bù đắp được thiệt hại của nhà xe. Chi phí của chúng tôi quá lớn. Đau đớn nhất là cuối tháng không có tiền để trả ngân hàng. Nếu vay ngoài thì không biết chịu được bao nhiêu lâu. Trường hợp bán xe thì giờ ai mua, kể cả bán rẻ, bán lỗ”, bà Thảo buồn bã nói.

Chủ nhà xe Lý Thảo cho biết chưa thật sự đồng tình với quyết định điều chuyển các tuyến xe ở Mỹ Đình về ngoại thành để tránh ùn tắc.

“Tắc đường là do cơ sở hạ tầng bố trí chưa hợp lý và chưa đủ điều kiện hoạt động chứ đâu phải do xe khách chúng tôi. Hôm vừa rồi các nhà xe nghỉ 2 ngày nhưng đường vẫn tắc, có phải do xe chúng tôi đâu. Tôi thấy điều chỉnh hiện nay không khoa học và không hợp tình hợp lý gì cả. Chỉ có cách cho các xe hoạt động trở lại bến xe Mỹ Đình may ra mới có đường sống được”, bà Thảo kiến nghị.

Tắc đường trầm trọng hơn

Cùng đưa ý kiến, đại diện nhà xe Hà Thì (Thái Bình) khẳng định, ngoài chuyện không có khách để vận chuyển thì vấn đề khiến doanh nghiệp ngao ngán nhất khi chuyển về bến Nước Ngầm là tình trạng tắc đường kéo dài. Tình trạng này diễn ra vào nhiều thời điểm trong ngày, từ sáng đến chiều tối.

“Nếu chuyển về bến xe Giáp Bát thì mới đông khách còn về đây nhà xe gần như phá sản. Chúng tôi chi phí trung bình một chuyến xe hết 1,2 triệu/ngày nhưng hôm qua được 8 khách, còn hôm nay có 4 khách, hầu hết toàn người trong xã. Nếu người dân bắt xe buýt từ Mỹ Đình về Nước Ngầm mất khoảng 1 tiếng. Điều này hết sức bất tiện.

Không chỉ thế, tình trạng tắc đường còn thường xuyên diễn ra, nhất là ở đoạn Linh Đàm ra ngoài Pháp Vân khoảng 1km. Tắc không thể xê dịch được, càng dồn thì càng tắc”, vị đại diện nói.

Vì phải chờ thêm khách và tắc đường triền miên nên thời gian vận chuyển toàn tuyến cũng kéo dài thêm khoảng 30 phút so với lộ trình cũ.

“Nếu từ bến xe Mỹ Đình về TP Thái Bình đi đường vành đai 3 trên cao rồi rẽ vào cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ khả năng ùn tắc rất thấp, chẳng mấy khi tắc đường. Chúng tôi chỉ mất khoảng 2 tiếng về đến nơi. Nhưng bến mới bất tiện, chỗ đỗ xe ít, chật chội”, nhà xe bức xúc.

Trong khi đó, vấn đề lớn nhất mà nhà xe Hùng Cúc (tuyến Nghệ An – HN) đề cập đến là xe buýt vận chuyển từ Nước Ngầm về Mỹ Đình quá ít và hoạt động không hiệu quả.

“Lượng khách quá nhiều nhưng xe buýt quá ít. Đi lại không thuận tiện. Tiền từ Nghệ An ra HN còn ít hơn đi taxi hay xe ôm.

Bến Nước Ngầm có tạo điều kiện nhưng khách thì chả có trong khi cứ 10 phút phải xuất bến một lần. Khách không thể chờ xe buýt được vì còn đi làm đi học nên buộc phải đi xe ôm hoặc taxi”, ông Hùng cho hay.

Theo nhà xe này, nếu thời gian tới tình hình không cải thiện sẽ phải tính đến việc giảm lượng xe hoạt động hoặc tìm bến mới.

Nguồn: http://baodatviet.vn 

Bài viết liên quan

Tìm kiếm nhanh: • Xe khách • Xe bus • Xe tải • Phụ tùng • Thông tin xe đã bán • Tin tức • Giới thiệu • Liên hệ • Khuyến mãi
Về đầu trang