Xe khách liên tỉnh trá hình: Nhiễu loạn thị trường vận tải hành khách
Ngày đăng:27-11-2017 10:15:06Vô tư đón, trả khách
Từ đầu năm 2016 đến nay, các lực lượng chức năng của thành phố đã kiểm tra, xử lý và thu hồi phù hiệu đối với hàng nghìn trường hợp xe "dù" núp bóng xe hợp đồng vi phạm Luật Giao thông đường bộ, cũng như các quy định về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Mới đây nhất, ngày 29-9, qua trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT) Hà Nội đã quyết định thu hồi phù hiệu 1 tháng đối với xe mang biển kiểm soát 29U-0501 và 29B-012.63; đồng thời yêu cầu đơn vị, doanh nghiệp có phương tiện kiểm điểm, xử lý lái xe vi phạm. Trước đó, hàng chục xe cũng đã bị xử lý thu hồi phù hiệu, xử phạt hành chính bởi các lỗi chạy quá tốc độ quy định, đóng mở cửa xe nhiều lần khi đang lưu thông... Kiểm tra, xử lý gắt gao cả trên thực địa lẫn qua thiết bị giám sát hành trình, nhưng tình trạng xe "dù" núp bóng xe hợp đồng chở khách liên tỉnh, hoạt động bát nháo vẫn là nỗi nhức nhối trong dư luận. Đặc biệt là các dòng xe 9 chỗ và xe Ford Transit 16 chỗ có ưu thế nhỏ gọn, lại không bị cấm chạy vào các tuyến phố trung tâm nên có thể len lỏi đến tận từng ngõ, ngách để đón trả khách mà khó bị phát hiện hay xử lý. Nhộn nhịp nhất phải kể đến các tuyến Hà Nội đi Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An... và ngược lại. Ông Phạm Minh Hương, phường Thanh Bình (quận Hà Đông) cho biết: "Tôi thường xuyên phải đi Lạng Sơn. Không cần thiết phải ra bến xe mà chỉ cần gọi điện sẽ có xe đến đón tận nhà, rất tiện.
Chỉ có điều khi lên xe, khách phải ký tên vào tờ giấy in sẵn, trong đó phần tên của hành khách để trống điền vào sau". Không khó để tìm những tuyến phố, những điểm tập kết của các đơn vị kinh doanh xe hợp đồng phục vụ hành khách tại nhà như trên. Phố Nguyễn Chánh (quận Cầu Giấy) là điểm tập kết, cũng là trụ sở của nhà xe Hà Lan, chạy tuyến Hà Nội - Thái Nguyên. Nhà C5-195 Trung Kính của nhà xe Phúc Xuyên chuyên tuyến Hà Nội - Quảng Ninh. Các điểm quanh siêu thị Big C Thăng Long, đường Phạm Hùng, Công viên Thủ Lệ… cũng tấp nập những xe Limousine 9 chỗ hoặc Ford Transit ngang nhiên hoạt động, vô tư đón - trả khách. Nhiều nhà xe, thậm chí còn đón - trả ngay trong phố cổ, như xe Camel Travel, Queen Cafe, Hưng Thành…
Xây dựng phần mềm, lắp camera để giám sát
Khu vực chân cầu vượt trước cổng Bảo tàng Dân tộc học trở thành điểm đón trả khách của các hãng xe “dù”. Ảnh: Anh Tuấn Tiện cho hành khách, nhưng các xe "dù" núp bóng xe hợp đồng để chở khách liên tỉnh này lại là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông và cạnh tranh không lành mạnh, làm nhiễu loạn thị trường vận tải hành khách. Đại diện một số doanh nghiệp bức xúc, trong khi xe của các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải hành khách phải chịu các khoản thuế và phí như: Bến bãi, lộ trình đường tuyến, VAT (10% giá vé)… thì các loại xe "dù" này vẫn chở khách như tuyến cố định liên tỉnh, mà không phải đóng.
Đây là một hình thức trốn thuế và cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp vận tải hoạt động đúng luật. Tại một hội nghị tổ chức mới đây, nhằm tìm giải pháp "siết" loại hình vận tải "xe hợp đồng", các cơ quan chức năng đã thừa nhận: Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đang bộc lộ những hạn chế, bất cập. Cụ thể, do là xe dưới 10 chỗ nên doanh nghiệp không phải gửi thông tin hợp đồng về các sở GT-VT (quy định này chỉ áp dụng với xe từ 10 chỗ trở lên), tạo điều kiện cho tiêu cực nảy sinh. Thực tế cho thấy, đã và đang có tình trạng xe hợp đồng sử dụng danh sách hành khách khống, rồi sau đó bắt khách dọc đường và điền vào hợp đồng vận chuyển để đối phó lực lượng chức năng. Muốn giải quyết được tình trạng vi phạm này, đòi hỏi phải sửa đổi văn pháp pháp quy.
Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tình trạng này không chỉ diễn ra ở Hà Nội mà còn xuất hiện ở nhiều địa phương khác. Để khắc phục, ngoài khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP, một trong các giải pháp được Tổng cục đề xuất là xây dựng phần mềm thống nhất để các đơn vị vận tải hợp đồng, du lịch khai báo. Phần mềm này sẽ quản lý theo các cấp và liên thông từ Tổng cục đến các doanh nghiệp vận tải. Phần mềm sẽ có chức năng tự động xử lý các tiêu chí để kịp thời tổng hợp, phát hiện các vi phạm của xe hợp đồng. Tuy nhiên, trong khi chờ các quy định mới, tình trạng nói trên sẽ phần nào ảnh hưởng đến việc kinh doanh dịch vụ vận tải của các doanh nghiệp chân chính. Cũng vì thế, tình trạng ùn tắc giao thông ở nội đô sẽ diễn biến ngày càng phức tạp, đòi hỏi các giải pháp đưa ra phải thật sự rốt ráo và quyết liệt hơn.
(ST)
Bài viết liên quan
- THÔNG BÁO NGHĨ LỄ GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG
- Hãng xe SAMCO tiến hành lễ bàn giao lô 12 xe buýt SAMCO CITY I.40
- TPBANK chọn HMT VIỆT NAM là đối tác tin cậy để liên kết hợp tác toàn diện
- Thông báo nghỉ tết dương lịch 2018
- Khen thưởng ban Đồng Vàng đạt thành tích tốt trong tháng 10-2017
- Hướng dẫn tự tra cứu phương tiện bị phạt nguội
- Hướng dẫn tự tra cứu phương tiện bị phạt nguội
- Tập đoàn Thành Công và Hyundai Motor liên doanh sản xuất xe thương mại
- Chương trình CHĂM SÓC KHÁCH HÀNG SAMCO Khu vực miền Trung và miền Nam 2017
- Thông báo lịch nghỉ lễ 2-9-2017